Kết quả 1 đến 6 của 6
  1. #1
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    379

    Tật tự cắn đuôi - tại sao cá betta mắc tật này?

    Tật tự cắn đuôi - tại sao cá betta mắc tật này và nó có di truyền hay không?
    Tác giả Victoria Parnell - nguồn www.bettysplendens.com
    (dịch:vnreddevil-sưu tầm binhvirile)

    Một con cá hafmooon Hắc Quỷ (Black Devil) đực tuyệt đẹp sau khi tự cắn đuôi.
    Một trong những điều gây thất vọng nhất khi bạn nhận cá gửi qua đường bưu phẩm, bạn mở hộp đựng cá ra và phát hiện rằng con cá betta đuôi dài tuyệt đẹp của mình bị mất một nửa đuôi.
    Điều quái quỉ gì đã xảy ra vậy? Có cách nào để phòng tránh điều này hay không?
    Trước tiên bạn nên biết rằng cá betta đã tự gây ra điều đó và hầu hết người bán hàng không phải chịu trách nhiệm cho những gì mà con cá tự gây ra cho chính vây của nó trong quá trình vận chuyển. Tôi không chắc là mọi người đều hiểu rõ lý do tại sao cá betta lại cắn vây của nó nhưng dựa trên kinh nghiệm và trực giác chúng ta có thể phỏng đoán về điều này một cách khá chính xác.
    Tôi thấy trong hầu hết trường hợp cá đực cắn đuôi của nó đều vì bị căng thẳng. Đó là lý do tại sao bạn hay thấy điều này xảy ra với cá được gửi qua đường bưu phẩm, hay với những con bị cách ly quá lâu. Trong quá trình vận chuyển, cá betta bị nhốt trong một không gian chật hẹp, tối tăm và hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, nó cũng không được vận chuyển một cách nhẹ nhàng. Bởi vì không gian trong túi đựng cá rất chật hẹp, vây của nó thường lướt qua trước mặt, và đuôi của nó thật gần khi con cá đảo người trong túi đựng. Thật dễ hiểu khi ở trong tình trạng như vậy nó sẽ vươn tới và đớp vào vật lướt qua trước mặt mà không biết rằng đó đuôi của chính mình. Tật tự cắn đuôi trong quá trình vận chuyển chủ yếu chỉ xảy ra ở những con cá đực có vây thật lớn (hay nói cách khác, những con cần hết sức gìn giữ để đuôi KHÔNG bị hư hại!) nhưng đôi khi tôi cũng thấy điều này xảy ra ở cá mái và plakat. Nó thường xảy ra ở những con cá có đuôi dài không phân biệt giới tính hay loại đuôi.
    Cá betta bị cách ly quá lâu thường cắn đuôi của chính mình nếu bất ngờ được đem kè với cá betta đực khác. Đôi khi đó là phản ứng hung dữ tột độ khi cá không thể đá được cá khác và quay sang cắn đuôi của chính nó vì giận dữ. Trong nhiều trường hợp, nó thực sự nuốt luôn mảng đuôi bị cắn rời nhưng đôi khi bạn lại thấy những mảng đuôi nằm đầy dưới đáy lọ.
    Cá betta nuôi trong môi trường ánh sáng mạnh, tự nhiên hay nhân tạo, trong một thời gian dài cũng có thể tự cắn đuôi, và tôi tin rằng nguyên nhân cũng tương tự như khi vận chuyển: căng thẳng, mất thị giác và hoảng loạn. Mắt cá betta chỉ nhìn thấy một dải màu và chuyển động nhất định trong môi trường có rất ít ánh sáng. Ánh sáng mạnh làm chúng cảm thấy bị trơ trọi và trở nên quá căng thẳng.
    Vậy, chúng ta có thể làm gì?
    Phần đuôi bị cắn là một vết thương và rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong khi chờ cho cá của bạn phục hồi, bạn nên nuôi chúng trong nước thật sạch sẽ. Tôi không thường xuyên sử dụng thuốc để phòng bệnh nhưng nhỏ một ít Melafix trong vài ngày sẽ làm vết thương mau lành và phòng chống nhiễm nấm và vi khuẩn một cách hiệu quả. Ngâm cá trong nước lá bàng không những có tác dụng tương tự mà còn làm cá bình ổn nhờ đó chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
    Bạn không thể ngăn chặn cá của bạn tự cắn đuôi một khi nó rơi vào tình trạng này, nhưng cũng có vài thứ mà bạn có thể làm để hạn chế điều này xảy ra. Cá đực vây dài dường như ít tự cắn đuôi nếu được vận chuyển trong hộp lớn với nhiều nước hơn. Bỏ một mảnh nhỏ lá bàng vào túi đựng cá, chất tannin tan vào nước sẽ giúp cá dịu đi và chống căng thẳng. Nếu bạn cách ly cá, cố gắng đừng kè nó với cá khác lâu hơn vài tiếng mỗi ngày. Giữ cho phòng nuôi cá của bạn có ánh sáng dịu, chỉ chiếu ánh sáng mạnh khi kiểm tra cá hay chụp hình mà thôi.
    Một số khảo sát cho thấy dường như tật tự cắn đuôi có liên quan đến gen. Rõ ràng là bạn ít khi nào thấy cá đuôi voan tự làm tổn thương bản thân ngay cả khi chúng bị căng thẳng nhiều hơn so với cá halfmoon. Cùng với bộ vây, cá cảnh đuôi dài có lẽ được di truyền cả xu hướng lo lắng và hoảng sợ mỗi khi căng thẳng. Thật thú vị khi biết rằng đặc điểm này được di truyền khi bạn lai con cá có tật tự cắn đuôi vào dòng cá của mình. Trên thực tế, đa số cá có tật tự cắn đuôi lại được đem lai tạo bởi vì người ta có thể dễ dàng mua chúng với giá phải chăng so với những con đực không tự cắn đuôi cùng bầy và không còn lo nó bị hư đuôi khi đem ép nữa. Chính tôi cũng phạm sai lầm khi đem lai tạo con cá đực to có tật tự cắn đuôi, và không chỉ mình tôi làm như vậy. Những nhà lai tạo khác cũng vô tình duy trì đặc điểm này làm gia tăng tỷ lệ cá đẹp nhưng có tật tự cắn đuôi trong cộng đồng cá betta. Hãy suy nghĩ về điều đó!
    Đừng nhầm lẫn cá tự cắn đuôi với cá bị “nổ” đuôi. Hiện tượng cá đực bị “nổ” đuôi thường liên quan đến những con cá đực có vây thật to mà lại bơi và xoè vây quá mạnh. Màng nối giữa các tia vây xuất hiện những lỗ nhỏ và phần rìa của đuôi bị tưa ra giống như một lá cờ cũ bị gió thổi tơi tả. Có trường hợp, đuôi hoàn toàn rách nát và chỉ trơ ra các tia vây mà không còn màng vây. Trường hợp nhẹ hơn, cá bị nổ đuôi có các vây… cả ba vây lẻ chứ không chỉ riêng đuôi… rách dọc theo các tia vây ở một số vị trí. Cách chữa trị cho những con cá bị “nổ” đuôi cũng tương tự như cá tự cắn đuôi: nước sạch và tránh để cá bị nhiễm bệnh. Cá betta bị thương ở vây rất dễ bị bệnh thối vây liên quan đến nấm và vi khuẩn.
    Bệnh thối vây liên quan đến nấm và vi khuẩn tuy cũng làm hư vây nhưng trông rất khác với trường hợp tự cắn vây. Bạn có thể thấy vết lở trên vây rất mịn và đều phát triển dần dần cho đến khi cá không con chút vây nào ngoài gốc thịt. Viền vây bị lở thường có màu đen hay đỏ và nên được chữa trị ngay lập tức nếu bạn muốn ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Nếu cá bạn bị thương ở vây thì bạn hãy quan sát thật kỹ lưỡng xem viền vây có xuất hiện màu đỏ hay không. Nếu bạn kịp thời phát hiện cá bị bệnh thì có thể chữa lành sau một vài ngày điều trị bằng Melafix trước khi nó trở thành vấn đề trầm trọng đối với bạn và cá betta của bạn.
    Mặc dù bề ngoài không đẹp và gây thất vọng, nhưng nếu được chăm sóc thích hợp, phần vây bị thương sẽ lành lặn sau vài tuần và lấy lại vẻ đẹp ban đầu.
    Ghi chú: Melafix và Pimafix là hai loại thuốc ngoại thông dụng, được đặc chế từ thảo dược dùng để chữa trị các bệnh ngoài da và nhiễm trùng ở cá (không rõ ở Việt Nam có bán hay không). Theo quảng cáo của nhà sản xuất, Melafix có thành phần chủ yếu là tinh dầu Melaleuca alternifolia, một giống tràm vốn không trồng ở Việt Nam nhưng lại có nguồn tin trên mạng cho rằng Melafix sử dụng tinh dầu tràm Việt Nam Melaleuca cajuputi. Không rõ thực hư thế nào nhưng công dụng sát trùng và làm lành vết thương của tinh dầu tràm thì chúng ta đã biết từ lâu.
    Lá bàng cũng có công dụng tương tự như Melafix. Nếu không có lá bàng thì chúng ta có thể sử dụng lá chuối khô, lá cây giá tị, lá và vỏ cây bò cạp nước... Chiết xuất từ những loại lá này có chứa nhiều tannin và acid humic giúp nó có công dụng như mô tả ở trên.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Oh. Bài dịch của bác hay quá. Thanks bác nhìu nhé. Cố gắng phát huy típ.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Hihi, bài này mình chỉ trích dẫn lại thôi cho ae tham khảo, người dịch là vnreddevil.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Nếu có những bài hay như vậy nhớ post len cho AE tham khảo nha,vì mình cũng có một em HM cũng tự ăn đuôi như vậy nhưng khg biết lý do .

  5. #5
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Cái tật tự cắn đuôi cũng giống như con puppy hay đuổi theo cái đuôi của nó thôi. Nhưng do đuôi HM khá dài nên nó cắn được. Chà. Có lẽ trước khi vận chuyển cá nên để nó trong môi trường nước lá bàng để giảm stress cho nó. Từ trước đến giờ toàn nghe mọi ng` bàn tán về công dụng tốt của lá bàng. Nhưng chẳng nghe ai đề cập đến mặt trái của nó nhỉ? [IMG]http://www.*****************/forum/images/smilies/confused.png[/IMG] Mọi thứ đều có 2 mặt của nó mà ?

  6. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Em cũng có nuôi cá beta nữa, bài của anh hay lắm, em cám ơn anh thật nhiều

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •